TÁC DỤNG CỦA VITAMIN NHÓM B TRONG CHĂN NUÔI GIA CẦM

TÁC DỤNG CỦA VITAMIN NHÓM B TRONG CHĂN NUÔI GIA CẦM

Vitamin B được phân thành nhiều loại nên chúng ta thường gọi là vitamin nhóm B hay B.Complex. Vitamin nhóm B có các tác dụng chung là: hỗ trợ đường tiêu hóa, cơ quan vận động và chức năng sinh lý của vật nuôi.

 

Các loại vitamin B phổ biến và cần thiết bao gồm:

Vitamin B1: 

Vitamin B1 giúp chuyển hóa Glucid tạo thành năng lượng cung cấp cho cơ thể, giúp ăn ngon miệng, tăng cường sức đề kháng

Khi thiếu vitamin B1 : dẫn đến triệu chứng sau:

– Chân đưa về phía trước, các ngón chân run, đầu ngẩng lên trên (ngược với thiếu vitamin E đầu gập xuống), đi đứng khó khăn

– Tích nước trong mô nên thịt nhão, phù nề do tích nước dưới da nhiều

– Nhu động ruột kém nên tiêu hóa kém, gà ăn ít

– Tình trạng nặng có thể co giật và chết.

Gia cầm thường thiếu B1 do sử dụng nhiều thức ăn củ như khoai mỳ, khoai lang hoặc thức ăn hạt dự trữ lâu ngày, bảo quản không tốt nên bị mốc.

Nhu cầu vitamin B1 cần thiết cho gia cầm là 2mg/kg thức ăn. Chủ yếu đến từ các nguồn thức ăn như: nấm men, men rượu, các chế phẩm từ nấm men 2 – 3% hoặc cám gạo, cám mì 5 – 10% trong thức ăn.

 

Vitamin B2:

giúp vết thương nhanh lành, ngăn chặn mầm bệnh xâm hại cơ thể

Khi thiếu vitamin B2:

– Gà con sẽ bị còi cọc, chậm lớn, lông xù, viêm quanh khóe mắt, chân bị liệt ngón co quắp, di chuyển khó khăn, mắt nhắm, ghèn dính làm mắt mở khó khăn.

 

– Gà đẻ giống sẽ giảm tỷ lệ ấp nở, phôi chết nhiều ở ngày ấp thứ 12 – 18, gà con mới nở bị liệt chân.

Vitamin B2 có nhiều trong các loại rau quả xanh non, mầm hạt, nấm men. Vitamin B2 rất dễ bị oxy hóa trong không khí và mau hư.

Nhu cầu vitamin B2 cần thiết cho gà:

– Gà con 3 – 4 tuần tuổi lượng vitamin B2 là 8mg/ kg thức ăn

– Các loại gà khác cần 5 – 6mg/kg thức ăn.

Vitamin B3: 

Vitamin B3 có vai trò quan trọng trong sự trao đổi chất

Khi thức ăn bị sấy ở nhiệt độ cao làm vitamin B3 bị phân hủy dẫn đến thức ăn bị thiếu hụt vitamin B3.

Thiếu vitamin B3 sẽ gây ra các dấu hiệu: viêm da ở góc mắt và miệng, viêm nứt các ngón chân, rụng lông, sinh trưởng chậm, giảm sức kháng bệnh. Ở gà đẻ: giảm năng suất, tỷ lệ ấp nở giảm.

Vitamin B3 có nhiều trong các loại thức ăn hạt, nấm men, nghèo trong các loại củ quả.

Nhu cầu vitamin B3 đối với gia cầm là 20mg/kg thức ăn hỗn hợp.

Vitamin B5: 

Vitamin B5 giúp tăng cường sức khỏe da – lông, tăng cường miễn dịch

Tình trạng thiếu vitamin B5 giống như thiếu vitamin B2 và B3, các lớp biểu bì của da và niêm mạc đường tiêu hóa và hô hấp bị tổn thương, tỷ lệ ấp nở kém.

Vitamin B5 có nhiều trong thức ăn hạt, thức ăn lên men, thức ăn xanh, thường gặp những tình trạng thiếu vitamin B5 là do trong thức ăn thiếu tryptophan làm cho cơ thể khó hấp thu vitamin B5.

Nhu cầu vitamin B5 ở gà con là 40mg/kg thức ăn, gà đẻ là 30mg/kg thức ăn.

Vitamin B6: 

Thiếu Vitamin B6 sẽ dẫn đến tình trạng giảm tính thèm ăn, ăn ít, chậm lớn, gây thiếu máu.

Bình thường nhu cầu vitamin B6 đối với gà là:

– Gà thịt là 4,5mg/kg thức ăn

– Gà đẻ là 3,5mg/kg thức ăn,

Tuy nhiên, nhu cầu vitamin B6 cũng tăng lên khi tỷ lệ protein trong thức ăn tăng lên.

Vitamin B9: 

Khi thiếu Vitamin B9 sẽ gây thiếu máu, số lượng hồng cầu giảm, gà con giảm tăng trọng, còi cọc, xuất hiện sự rối loạn sắc tố như trên lông đen, vàng có những đốm trắng. Gà sinh sản cho trứng tỷ lệ ấp nở thấp.

Bình thường, vitamin B9 có nhiều trong các loại thức ăn xanh và được vi khuẩn đường ruột tổng hợp. Tuy nhiên, lượng lớn vitamin B9 sẽ mất đi khi thức ăn nấu ở nhiệt độ cao hoặc gà bị bệnh đường ruột.

Nhu cầu vitamin B9 cho gà con là 1mg/kg thức ăn, gà đẻ là 0,7mg/kg thức ăn.

Vitamin B12: 

Giống với vitamin B9, khi thiếu vitamin B12 sẽ gây hiện tượng thiếu máu, giảm tăng trọng, sức kháng bệnh kém, gà đẻ giảm tỷ lệ ấp nở, phôi chết nhiều; đồng thời kéo theo thiếu Cholin.

Vitamin B12 có nhiều trong thức ăn động vật, vi sinh vật.

Nhu cầu vitamin B12 ở gia cầm phụ thuộc vào sự cung cấp đủ Methionin, Cholin, Vitamin B9, vitamin B3, nếu thiếu những chất này thì nhu cầu B12 sẽ tăng lên. Khi các chất trên đã cung cấp đủ thì nhu cầu vitamin B12 của gia cầm là 10 – 15µg/kg thức ăn.

*** Cholin:

Cholin là vitamin thuộc nhóm B,

Nếu thiếu Cholin sẽ gây ra triệu chứng gan nhiễm mỡ, thiếu máu, rối loạn phát triển bộ xương, gà thường bị yếu chân.

Cholin có nhiều trong các hạt họ đậu, nấm men.

Khi khẩu phần thức ăn có cung cấp đủ các vitamin như: B12, B6, B9 và acid amin Methionin thì nhu cầu Cholin chỉ khoảng 600 – 1.300mg/kg thức ăn.

 

Trên đây là tổng hợp công dụng của Vitamin nhóm B, triệu chứng khi thiếu cũng như liều lượng cung cấp sao cho phù hợp với nhu cầu của gia cầm.

Mời bà con chăn nuôi tham khảo thêm VAI TRÒ CỦA CÁC LOẠI VITAMIN TRONG CHĂN NUÔI GIA CẦM để kịp thời bổ sung cho vật nuôi.

Vetcenter chúc bà con chăn nuôi đạt năng suất và lợi nhuận cao.