Cầu trùng trên gà – Phòng và điều trị (Coccidiosis)
Cầu trùng trên gà là bệnh do ký sinh trùng đơn bào gây ra, có sức đề kháng cao và dễ lây lan qua nhiều con đường khác nhau (qua thức ăn, chất độn chuồng, nước, đất, vật liệu, côn trùng và động vật hoang dã). Bệnh thường xảy ra trên gà khoảng 10 – 30 ngày tuổi. Không như các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, cầu trùng trên gà có tỷ lệ chết không cao nhưng lại là bệnh gây hậu quả đáng kể, đặc biệt trên gà thịt: Chán ăn, giảm lượng thức ăn ăn vào, tăng FCR, viêm ruột, tiêu chảy xuất huyết, tỷ lệ chết cao.
1. Nguyên nhân gây cầu trùng trên gà?
Có khoảng ít nhất khoảng 11 loài coccidia có khả năng gây bệnh cầu trùng trên gà.
Loài gây bệnh phổ biến:
– Trên manh tràng: Eimeria atenalla
– Trên ruột non: Eimeria necatnix, Eimeria bruneti, Eimeria maxima
Các loài còn lại ít mẫn cảm với gà.
Vòng đời Eimeria spp được chia thành 3 giai đoạn:
-Giai đoạn sinh bào tử (Sporogony).
-Giai đoạn phát triển thể phân lập (Shizogony).
-Giai đoạn sinh sản hữu tính (Gametogony).
Gà mắc bệnh chủ yếu là do gà ăn phải các bào tử cầu trùng lẫn trong thức ăn, nước uống, phân, chất độn chuồng,… Do đó, cần thay chất độn chuồng thường xuyên và giữ chuồng nuôi luôn sạch sẽ khô thoáng.
Cách truyền lây Cầu trùng gà
2.Triệu chứng và bệnh tích của khi gà mắc bệnh cầu trùng
a. Cầu trùng manh tràng (cầu trùng máu tươi)
Bệnh do Eimeria atenalla gây ra thường ở gà từ 10 – 25 ngày tuổi
Triệu chứng:
– Triệu chứng điển hình: tiêu chảy máu tươi do coccidia tấn công vào niêm mạc manh tràng, làm tổ và tăng sinh quá mức gây vỡ các mạch máu tại đây.
– Gà ủ rũ, mào và tích tái nhợt, thường đứng tụm lại với nhau do bị thiếu máu
Bệnh tích:
Trong giai đoạn đầu của bệnh, manh tràng gà chứa nhiều máu căng phồng sau đó khô dần. Ở gà khỏi bệnh, tổn thương trên manh tràng có thể kéo dài tới 2 tháng sau.
b. Cầu trùng ruột non
Bệnh do E.necervulima, E. maxima, E. bruneti gây bệnh mãn tính trên ruột non
Triệu chứng:
Triệu chứng không điển hình như khi gà mắc bệnh cầu trùng manh tràng: gà ủ rũ, bỏ ăn, gầy còm, tiêu chảy phân sáp, màu máu cá,… do coccidia tấn công vào đường tiêu hóa trên của gà.
3. Kiểm soát bệnh cầu trùng trên gà.
Trong kiểm soát dịch bệnh, ta nên quan tâm đến vấn đề phòng bệnh hơn trị bệnh.
Để phòng bệnh cầu trùng hiệu quả, bà con chăn nuôi nên:
– Vệ sinh sát trùng chuồng trại sạch sẽ, xử lý chất độn chuồng và môi trường nuôi, có biện pháp tiêu diệt các loài côn trùng, gậm nhấm,…
– Giữ môi trường nuôi được khô thoáng để hạn chế sự phát triển của cầu trùng coccidia.
– Hiện nay việc sử dụng vaccine phòng bệnh cầu trùng trên gà đang cho hiệu quả rất cao. Những vaccine thế hệ mới sử dụng công nghệ mới với nguyên lý “chiếm chỗ” đang là lựa chọn tốt nhất cho việc kiểm soát bệnh. Tuy nhiên cần chú ý vì trong giai đoạn này đa số các công ty thức ăn đều bổ sung kháng sinh phòng bệnh cầu trùng với hàm lượng cho phép vào trong thức ăn chăn nuôi. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vaccine cầu trùng.
4. Điều trị bệnh cầu trùng cầu trùng trên gà
Có thể sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh cầu trùng trên gà, một số kháng sinh đang cho hiệu quả điều trị cao như: Diclazuril, Toltrazuril, Amprodium, Mono sunfadiazin,…