Nhà nghiên cứu và cũng là chủ một trại heo, tiến sỹ Michaela Giles (một chuyên gia về chăn nuôi và thú y của Anh) đã đưa ra một loạt những quan điểm về những lưu ý đặc biệt đối với an toàn sinh học mà chỉ với người chăn nuôi nhỏ lẻ mới phải đối mặt.
Sau khi xây dựng một khu chuồng trại hợp lý, điều mà các chủ trại heo quan tâm nhất là vấn đề an toàn sinh học. Một chương trình an toàn sinh học hiệu quả sẽ hạn chế heo phơi nhiễm với vi sinh vật gây bệnh. Và chỉ một thay đổi nhỏ trong khâu quản lý đàn có thể giảm đáng kể lượng mầm bệnh và sự truyền lây của nó.
Những quy trình hướng dẫn an toàn sinh học dùng trong các trại heo thương mại lớn có thể được áp dụng cho mọi loại hình chăn nuôi. Tuy nhiên với chăn nuôi nhỏ lẻ thì có thêm những yếu tố nguy cơ mà trong quy trình của trại thương mại lớn không đề cập đến, đơn giản vì ở những trại lớn những yếu tố này không xảy ra.
An toàn sinh học đối với những trại chăn nuôi heo nhỏ lẻ như thế nào?
Heo tham gia hội trợ – triển lãm
Tại một số nước, người chăn nuôi heo thường tổ chức những cuộc triển lãm hay hội chợ heo.Tại đây, họ mang đến heo trong trại của mình để giới thiệu, có thể là heo thịt đến tuổi xuất chuồng hoặc heo giống. Heo thịt được bán tại hội chợ hoặc đưa đến lò mổ. Heo giống cũng có thể được bán tại hội chợ nếu không thì được đưa trở lại trại.
Quá trình đưa heo đến triển lãm sau đó quay trở lại trại tiềm ẩn nhiều nguy cơ truyền lây mầm bệnh. Vì vậy, xây dựng một kế hoạch về an toàn sinh học khi có triển lãm heo là rất cần thiết. Dưới đây là một quy trình điển hình trước và sau khi triển lãm:
– Xây dựng một khu chuồng cách ly cách biệt với khu chăn nuôi chính.
– Đảm bảo lịch tẩy giun và tiêm vaccine cho tất cả heo cách ly phải được thực hiện và ghi lại.
– Heo cách ly ít nhất 20 ngày trước khi triển lãm
– Heo sau triển lãm trở về trại cũng nuôi trong khu cách ly, tốt nhất nên cho chúng đi qua khu vực “hố sát trùng) để làm sạch vùng chân của chúng,
– Rửa sạch và sát trùng phương tiện vận chuyển heo bao gồm cả bánh xe và xe kéo.
– Sử dụng quần áo, ủng ở chuồng cách ly riêng, khác với đồ dùng ở chuồng chính. Nếu dùng chung phải giặt và khử trùng cẩn thận.
– Sau khi đưa heo từ triển lãm về phải nuôi trong chuồng cách ly ít nhất 20 ngày và tẩy giun lại một lần nữa trước khi cho nhập đàn chính. Kiểm tra xem heo có bị nhiễm ve, ghẻ không, điều trị nếu cần thiết.
– Sát trùng những khu chuồng nhốt heo trong suốt thời gian triển lãm. Sử dụng các chất khử trùng (có thể dùng vôi bột) khử trùng bên ngoài chuồng cách ly khi triển lãm kết thúc.
Trên đây là những biện pháp khá hiệu quả để giảm nguy cơ nhiễm bệnh cho đàn heo, bao gồm cả những nhóm heo dễ mắc nhất là heo mới cai sữa.
Sử dụng đực giống bên ngoài trại
Sử dụng heo đực giống là một dịch vụ thường thấy ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, do trại không tự nuôi được heo đực giống mà sử dụng ở các trại lớn khác để phối cho nái. Hoặc cũng có thể trại tự mang nái muốn phối đến trại có heo đực.
Thường những con đực được cho đi phối giống khoảng 3 – 6 lần/ tuần. Và rõ ràng điều này ảnh hưởng đến an toàn sinh học ở tất cả các trại trong vùng. Nếu bạn áp dụng cách ly trước khi vào trại thì sẽ không thể kịp với chu kỳ lên giống của heo nái.
Bạn có thể giải quyết khó khăn trên bằng cách: Khi heo nái đề kỳ cần phối giống, bạn vẫn sử dụng heo đực giống trong vùng như bình thường. Tuy nhiên quá trình phối giống được thực hiện ở khi cách ly của trại. Sau khi phối giống thành công, bạn nuôi cách ly heo nái tại khu cách ly theo quy trình an toàn sinh học của trại.
Hoặc một giải pháp khác cho việc này đó là bạn có thể sử dụng phối nhân tạo với tinh trùng được mua ở nơi uy tín.
Mua heo cai sữa và nhập đàn mới về trại
Lựa chọn mua heo cai sữa khỏe mạnh, có nguồn gốc tin cậy, được tẩy giun, tiêm vaccine đầy đủ và đã cai sữa ít nhất 2 tuần trước khi nhập mới vào trại là điều kiện đầu tiên tạo nền tạo tốt cho quá trình nuôi thịt sau này.
Heo cai sữa mới nhập trại là đối tượng nhạy cảm nhất với mầm bệnh, nguyên nhân là do chúng bị stress sau quá trình vận chuyển đến chuồng mới. Một số đàn có thể đề kháng với một số mầm bệnh nhưng cũng có đàn rất mẫn cảm, dễ mắc bệnh ở giai đoạn này. Ngoài ra đây còn là nguồn lây nhiễm những bệnh từ trại giống tới trại chăn nuôi của bạn. Vì vậy bắt buộc phải tuân thủ đúng quy trình cách ly đối với heo cai sữa mới nhập trại.
Một số điểm mà an toàn sinh học dễ bị bỏ qua với trại nhỏ.
Lò mổ là nơi rất thuận lợi để mầm bệnh cư trú, cả môi trường, trên xe, bánh xe và trang phục hay giày ủng. Vì vậy mỗi khi công nhân hay chủ trại đến những nơi này thì sau khi quay trở về trại heo phải thay giày, ủng khác hoặc khử trùng thật kỹ tương tự như quy trình khử trùng đối với xe, bánh xe.
Lối đi bộ trong trại có thể là một nơi mà nguy cơ an toàn sinh học bị phá vỡ, đặc biệt là khách thăm từ những trang trại khác và nếu họ mang theo một con chó thì chúng có thể mang mầm bệnh từ trại đó tới khắp nơi trong trại của bạn.Tốt nhất là nên cách ly heo của bạn trong khu vực chăn nuôi, hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố bên ngoài và đặt biển báo an toàn sinh học ở trước mỗi cửa vào.
Nguồn: internet, VietDVM