CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO PHÙ HỢP TRONG CHĂN NUÔI GÀ

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO PHÙ HỢP TRONG CHĂN NUÔI GÀ

Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho quá trình phát triển sinh lý, sinh thái bình thường trong chăn nuôi gà.

Do những đặc điểm sinh học như sau làm gà rất nhạy cảm với tác động của môi trường như: thân nhiệt cao, tuần hoàn máu nhanh, tốc độ tiêu hóa thức ăn nhanh, cường độ trao đổi chất mạnh,  hô hấp mạnh, linh hoạt,… đòi hỏi phải cung cấp một chế độ dinh dưỡng cân đối, không thừa, không thiếu nhằm tăng năng suất chăn nuôi và đạt hiệu quả lợi nhuận cao.

1. NƯỚC:

Nước đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình trao đổi chất cho gia cầm nói chung và ở gà nói riêng, trong chăn nuôi gà việc thiếu nước uống thường gây hậu quả nghiêm trọng.

Khi thiếu 10% nước uống:

– Gà thịt sẽ chậm lớn, giảm ăn, hiệu quả hấp thu thức ăn kém

– Gà đẻ: làm giảm đẻ hoặc ngưng đẻ.

* Thậm chí gà có thể chết sau 24 giờ bị khát nước.

Mặc dù, cơ thể gia cầm có thể tạo ra một lượng nhỏ nước từ sản phẩm của các phản ứng oxy hóa chất dinh dưỡng (khi trao đổi 1g chất béo tạo ra 1,2g nước, 1g chất protein tạo ra 0,62g nước, 1g chất glucid tạo ra 0,5g nước), nhưng so với nhu cầu của cơ thể gà thì lượng nước này quá ít. Đó là lý do phải cung cấp một lượng nước từ bên ngoài qua ăn uống.

Thức ăn của gà là thức ăn khô chỉ chứa 8 – 12% nước, nên cần bổ sung nước liên tục hàng ngày và gà phải được uống nước tự do, đầy đủ.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu nước uống của gà như: nhiệt độ môi trường, cơ cấu thức ăn…

2. PROTEIN:

– Protein hay còn gọi là chất đạm đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia vào thành phần của nguyên sinh chất trong tế bào sống. Ngoài cấu trúc cơ thể, protein còn tham gia vào cấu trúc các chất có hoạt tính sinh học cao để điều khiển quá trình trao đổi chất và quá trình sống như: enzym, hoocmon,…  Đồng thời tham gia vào cấu trúc của tế bào bạch huyết, kháng thể… giúp bảo vệ cơ thể chống chọi lại bệnh tật.

Protein còn đóng vai trò quan trọng trong sinh sản, tạo trứng và tinh trùng.

– Các nguyên liệu chứa nhiều protein như: Đạm động vật (bột cá, bột thịt, bột huyết, bột sữa, bột tôm tép,…), đạm thực vật (các loại khô đậu nành, xanh, phộng,…).

Do khẩu phần thức ăn từ đạm động vật có giá thành cao nên ưu tiên sử dụng đạm thực vật có giá thành rẻ hơn và cho sản phẩm thơm hơn. Tuy nhiên, cần  chú ý đến hiện tượng nấm mốc vì sẽ gây ra những hậu quả như: ngộ độc, hủy hoại gan, chậm lớn, giảm năng suất nuôi,… bên cạnh đó khi sử dụng khô đậu nành để cung cấp đạm, cũng phải quan tâm đến việc loại bỏ chất đối kháng dinh dưỡng  bằng cách xử lý qua nhiệt độ cao.

– protein chiếm tỷ lệ 15 – 35% trong khẩu phần ăn. Cung cấp protein qua thức ăn thực chất là cung cấp acid amin cho cơ thể theo nhu cầu duy trì và thay thế những tế bào thoái hóa, nhu cầu cho sự tăng trưởng, sự sinh sản và đẻ trứng (trong đó nhiều hơn hết là nhu cầu cho tăng trọng ở gia cầm non, tiếp theo là tạo trứng và đẻ trứng ở gia cầm đẻ).

Để giảm giá thành sản xuất thịt và trứng mà vẫn đảm bảo sự phát triển của gia cầm, có một số acid amin giới hạn thường có ít trong nguyên liệu thức ăn như: Lysin, Methionin, Threonin, Tryptophan, Arginin,… các loại acid amin thiết yếu này thường được bổ sung vào thức ăn với lượng vừa đủ (khoảng 0,1 – 0,2%) để thay thế cho các đạm động vật và đạm thực vật trong thức ăn chăn nuôi.

 

3. NĂNG LƯỢNG:

– Năng lượng hầu như là nguồn dinh dưỡng có nhu cầu lớn hơn cả so với các chất dinh dưỡng khác. Nhu cầu năng lượng có thể được xác định là mức năng lượng cần thiết cho sinh trưởng, sinh sản và phát triển của gia cầm,  đồng thời cần thiết để duy trì mọi hoạt động sống của cơ thể.

Thiếu năng lượng sẽ gây ra sự suy giảm các quá trình trao đổi chất và các hoạt động chức năng cơ thể gây nên tình trạng còi cọc, chậm lớn, năng suất trứng giảm ở gia cầm sinh sản.

– Có 2 dạng chất dinh dưỡng có thể cung cấp năng lượng chính, là Glucid và Lipid

* Glucid (hay còn gọi tinh bột):

Có vai trò cung cấp năng lượng, chuyển hóa thành phần đạm và mỡ cho cơ thể, tạo năng lượng để chuyển hóa vật chất và vận động. Glucid chiếm khoảng 60% trong thức ăn chăn nuôi cho gia cầm có trong các dạng nguyên liệu như: bắp, cám, tấm, khoai mì,… Gia cầm có thể chuyển hóa tinh bột rất tốt, nhưng để tiêu hóa tinh bột cần có vitamin B1, tuy nhiên tinh bột từ củ thì thường thiếu vitamin nhóm B, do đó cần bổ sung thêm vitamin nhóm B vào thức ăn cho gia cầm. Đồng thời, cũng cần lưu ý hàm lượng chất độc và tình trạng nấm mốc khi sử dụng khoai mì làm thức ăn cho gia cầm.

* Lipid (hay còn gọi chất béo): là chất dinh dưỡng có thể cung cấp năng lượng cao gấp 2 lần so với glucid.

Đối với gia cầm, lipid tạo một phần năng lượng và chủ yếu tạo mỡ. Nhu cầu chất béo trong cơ thể gia cầm rất ít:

– Gà con cần dưới 4%, dễ dẫn đến tiêu chảy nếu vượt quá tỷ lệ này.

– Gà hậu bị và gà đẻ cần dưới 5%, nếu cung cấp quá nhiều sẽ làm gà mập mỡ khó đẻ

– Đối với gà nuôi thả do vận động nhiều nên có thể cung cấp chất béo nhiều hơn.

– Trong thức ăn cho gà công nghiệp, người ta sử dụng 2 – 6% dầu thực vật hoặc mỡ công nghiệp có tác dụng tốt.

Lợi ích khi cung cấp đủ lipid:

– Tăng năng suất, giảm tiêu tốn thức ăn. – Cung cấp các acid béo thiết yếu như acid linoleic, acid linolenic và acid arachidonic.

– Giúp hòa tan các vitamin A, D, E và K, các sắc tố để cho cơ thể dễ hấp thu làm da và mỡ vàng, tăng màu vàng của lòng đỏ trứng.

– Ngoài ra chất béo trong thức ăn cũng có tác dụng làm giảm độ bụi giúp giảm thiếu các bệnh về đường hô hấp.

Cần chú ý bổ sung các chất chống oxy hóa khi cung cấp chất béo để bảo vệ các acid béo không no và các vitamin trong thức ăn.

 4. VITAMIN:

Mỗi loại vitamin đều có chức năng khác nhau, nhưng chung quy sẽ hỗ trợ cho gia cầm phát triển một cách tối ưu nhất, mang lại năng suất và lợi nhuận cho nhà chăn nuôi.

Mời các bạn tham khảo chi tiết hơn về vai trò của vitamin và hậu quả của việc thiếu hụt vitamin trong bài viết: VAI TRÒ CỦA CÁC LOẠI VITAMIN TRONG CHĂN NUÔI GIA CẦM

5. CHẤT KHOÁNG:

Chất khoáng tuy cần với tỷ lệ thấp nhưng có vai trò khá quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của gia cầm.

Mời bà con chăn nuôi cùng Vetcenter đi đến tìm hiểu vai trò của chất khoáng sự thiếu hoặc thừa chất khoáng sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với gia cầm qua bài viết: BỔ SUNG CHẤT KHOÁNG TRONG CHĂN NUÔI GÀ NHƯ THẾ NÀO CHO PHÙ HỢP?

 

Thông qua bài viết trên chắc chắn bà con chăn nuôi có thể nắm rõ được nhu cầu dinh dưỡng cho gia cầm để bổ sung vào khẩu phần ăn một cách thích hợp nhất. Chúc bà con chăn nuôi đạt hiệu quả như mong muốn.