VAI TRÒ CỦA CÁC LOẠI VITAMIN TRONG CHĂN NUÔI GIA CẦM
Trong chăn nuôi gia cầm, ngoài việc bổ sung thức ăn, nước uống, protein và các khoáng chất (Ca, P, Fe, Cu, Zn,…), việc bổ sung vitamin cũng đóng vai trò quan trọng trong chăn nuôi do vitamin cũng tham gia vào quá trình trao đổi chất của gia cầm. Cụ thể, các vitamin đóng vai trò là chất xúc tác trong quá trình đồng hóa, dị hóa, ảnh hưởng đến từng giai đoạn sinh trưởng phát triển và sinh sản của gia cầm. Ngoài ra, vitamin còn giúp nâng cao sức đề kháng giúp gia súc chống chọi với các bệnh tật. Vì vậy, hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về vai trò của các loại vitamin cần thiết cho gia cầm nhằm bổ sung lượng vitamin cho phù hợp.
1. Các loại vitamin thiết yếu?
Mỗi loại vitamin đều có công dụng khác nhau đối với sự sinh trưởng và phát triển của gia cầm. Tuy nhiên, chỉ một lượng nhỏ vitamin (như vitamin C) cơ thể gia cầm mới có thể tổng hợp được, điều này hoàn toàn không đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết của cơ thể. Nếu thiếu một trong các loại vitamin trên đều sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của gia cầm, khiến chúng dễ mắc bệnh hơn, làm giảm năng suất chăn nuôi của bà con nông dân.
Các loại vitamin thiết yếu gồm có: vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin B (B1-B12), vitamin C, vitamin K, vitamin H,…
Mỗi loại vitamin đều có chức năng khác nhau, nhưng chung quy sẽ hỗ trợ cho gia cầm phát triển một cách tối ưu nhất, mang lại năng suất và lợi nhuận cho nhà chăn nuôi.
Đa phần các dòng thức ăn chăn nuôi trên thị trường đều cân đối đầy đủ các loại vitamin để phù hợp với cơ thể gia cầm. Tuy nhiên, do một số loại vitamin dễ bị oxy hóa trong khi sử dụng hay do quá trình vận chuyển và bảo quản thức ăn các loại vitamin này bị hao hụt đến tình trạng thiếu hụt vitamin cho gia cầm.
2. Vai trò của các loại vitamin trong chăn nuôi gia cầm
Vitamin A
Đây là loại vitamin được người chăn nuôi biết tới nhiều nhất, có lẽ cũng bởi vì tính quan trọng của loại vitamin này. Vitamin A có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc trao đổi lipid, glucid, protein, cần thiết cho sự hoạt động bình thường của tuyến giáp trạng, tuyến thượng thận, các tế bào biểu mô, là nguyên liệu tạo rodopxin của thị giác, giúp sáng mắt, đẹp da,…Do vậy, nếu trong khẩu phần ăn của gà ở các lứa tuổi phát triển thiếu vitamin A sẽ gây ra các hậu quả trầm trọng như:
– Còi cọc, chậm lớn
– Sừng hóa và viêm niêm mạc mắt
– Sừng hóa thanh khí quản nên dễ bị bệnh hô hấp
– Bệnh cầu trùng dễ mắc phải và phát bệnh nặng hơn và khó chữa hơn
– Gà dễ mắc những bệnh nhiễm trùng, tỷ lệ chết cao (gà con chết sau 2 – 4 tuần với triệu chứng thần kinh trước khi chết, mổ khám sẽ thấy ống dẫn niệu tích đầy urat, gà đẻ giảm năng suất trứng do buồng trứng phát triển kém, niêm mạc ống dẫn trứng bị sừng hóa, vỏ trứng mỏng, tỷ lệ thụ tinh thấp, tỷ lệ chết phôi cao, thường chết phôi).
Hàm lượng vitamin A cần thiết trong mỗi kg thức ăn phụ thuộc vào tuổi và sức sản xuất của chúng: gia cầm non đang sinh trưởng nhanh cần khoảng 12.000 – 15.000 IU/kg thức ăn, gà đẻ trứng cần 10.000 – 12.000 IU, không nên cung cấp dư vitamin A (quá 25.000 IU/kg thức ăn)
Vitamin D
Là loại vitamin có thể hấp thụ được khi phơi nắng vào buổi sáng trong khoảng 6-9 giờ. Vitamin D tham gia vào quá trình trao đổi chất khoáng, protein và lipid. Là yếu tố quan trọng điều hòa quá trình gắn kết các vi chất Canxi (Ca), Phospho (P), Magie (Mg) vào xương, thúc đẩy quá trình phát triển xương.
Hậu quả của thiếu vitamin D:
– Đối với gia cầm non: dễ bị còi xương, xương chân và xương lưỡi hái cong, dị dạng;
– Đối với gia cầm đẻ: xương xốp dễ gãy, liệt chân, trứng vỏ mỏng dễ vỡ, phôi dễ chết ở giai đoạn cuối 19-20 ngày.
Tùy vào từng giai đoạn phát triển mà nhu cầu vitamin D cần cung cấp sẽ khác nhau, đặc biệt là gà trong giai đoạn đẻ trứng, gà đang phát triển, gà nuôi nhốt trong chuồng thiếu ánh sáng, đều có nhu cầu cao về vitamin D. Việc cho gia cầm ăn với khẩu phần không cân đối Ca và P cũng cần bổ sung vitamin D.
Liều lượng thích hợp để cung cấp vitamin D so với vitamin A nên đáp ứng theo tỷ lệ:
D/A= 1/8 – 1/10
Nghĩa là, nếu cung cấp vitamin A với lượng 15.000 IU/kg thức ăn, thì chỉ cần bổ sung vitamin D với lượng: 1.500-1800IU/kg thức ăn
Đồng thời, không nên cung cấp dư thừa vitamin D (không quá 5.000 IU/kg thức ăn vitamin D3) vì sẽ dễ gây vôi hóa ở thận, nếu kèm với dư protein thì tình trạng dư thừa sẽ nguy hiểm dễ gây chết vật nuôi.
Vitamin E
Ngoài tác dụng chính trong quá trình ngừa cản sự oxy hóa, vitamin E còn có công dụng trong việc:
– Bảo vệ các hợp chất sinh học và các acid béo chưa no
– Thúc đẩy quá trình hấp thu vitamin A và D
– Tạo điều kiện thuận lợi trao đổi phospho, glucid và protein
– Kích thích sự tạo thành các hoocmon thùy trước tuyến yên (các tuyến này quyết định sự tăng trưởng của cơ thể, sự tăng trưởng và phát triển các tuyến sinh dục,…)
– Giúp ổn định thành mạch, màng tế bào của tuyến sinh dục,…
Thiếu vitamin E trong khẩu phần ăn của gia cầm dẫn đến gia cầm xuất hiện các triệu chứng sau:
– Ở gà thịt: gà bị ngoẹo đầu, mỏ trúc xuống, mất thăng bằng, đi đứng loạng choạng, đi thụt lùi, hoại tử cơ trắng vùng cơ ức và cơ đùi (giống như tình trạng thiếu Selen);
– Hay ở gà đẻ: có hiện tượng giảm đẻ, giảm tỷ lệ thụ tinh , trứng dễ chết phôi hay phôi phát triển kém, tỉ lệ ấp nở thấp…
Vitamin E có nhiều trong các mầm hạt, lá xanh non nên gà thường rỉa lá non khi ăn ngoài vườn. Tuy nhiên, vitamin E rất dễ bị phá hủy trong không khí, nhạy cảm với oxy và ánh sáng.
Lượng vitamin E đủ đáp ứng nhu cầu của gia cầm là 20 IU/kg thức ăn, và nhu cầu vitamin E tăng đến 30 IU/kg khi hàm lượng chất béo trong thức ăn tăng cao 8 – 10%.
Vitamin nhóm B – B.COMPLEX
Vitamin B được phân thành nhiều loại nên chúng ta thường gọi là vitamin nhóm B hay B.Complex. Vitamin nhóm B có các tác dụng chung là: hỗ trợ đường tiêu hóa, cơ quan vận động và chức năng sinh lý của vật nuôi.
Các loại vitamin B phổ biến và cần thiết bao gồm: Vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B9, B12, Cholin,..
Mời bà con chăn nuôi tham khảo rõ hơn về triệu chứng khi thiếu Vitamin nhóm B cũng như liều lượng cung cấp sao cho phù hợp với nhu cầu của gia cầm tại bài viết: TÁC DỤNG CỦA VITAMIN NHÓM B TRONG CHĂN NUÔI GIA CẦM
Vitamin C
Vitamin C có tác dụng giúp gia cầm: tăng cường sức đề kháng, chống stress, tham gia quá trình hô hấp tế bào, tăng cường các phản ứng oxy hóa khử, chống oxy hóa trong cơ thể, kích thích sự sinh trưởng và đổi mới tổ chức tế bào, tăng cường khả năng tạo huyết sắc tố, thúc đẩy sự đông máu, tạo điều kiện gia tăng năng suất và phẩm chất trứng, tinh trùng,…
Vitamin C có thể tự tổng hợp trong cơ thể, nhưng khi gia cầm bệnh hoặc stress thì cần bổ sung thêm. Lượng vitamin C cần thiết từ 100-500mg/kg thức ăn.
Đặc biệt, khi thời tiết nóng, trước và sau khi làm vaccin, chuyển đàn, cân gà hoặc gà bị bệnh truyền nhiễm thì nên dùng vitamin C liều cao giúp cho đàn gà mau chóng ổn định và vượt qua những yếu tố bất lợi.
Vitamin K
Là loại vitamin quan trọng giúp cầm máu, ngăn chặn quá trình chảy máu ở các vết thương. Hiện tượng chảy máu là do trong quá trình chăn nuôi gà bị stress dẫn đến cắn mổ nhau, hay khi cắt (là) mỏ gà cũng dễ gây chảy máu. Đặc biệt, một số bệnh như: bệnh do cầu trùng, bệnh gumboro, bệnh do giun đũa,…đều dễ gây xuất huyết trong niêm mạc đường tiêu hóa,…
Liều lượng thích hợp khi sử dụng vitamin K để cầm máu là 2mg/kg thức ăn.
Vitamin H (Biotin hay còn gọi là vitamin B7)
Đây là loại vitamin ít khi được nhắc đến, tuy nhiên không thể thiếu dù hàm lượng cần khá thấp.
Vitamin H giúp mượt long, đẹp da, giúp khung xương phát triển bình thường, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất năng lượng.
Khi thiếu vitamin H sẽ gây ra hiện tượng viêm da, rụng lông, làm rối loạn sự phát triển của hệ xương, đặc biệt làm giảm tỉ lệ nở của trứng khi cho ấp tự nhiên hoặc ấp bằng máy ấp trứng.
Lượng vitamin H cần thiết trong là 0.2mg/1kg thức ăn.
Trên đây là những thông tin về tác dụng các loại vitamin cần thiết cho gia cầm, bà con nông dân tham khảo và bổ sung vào thức ăn để đảm bảo gia cầm phát triển tốt mang lại năng suất và lợi nhuận cao. Mời bà con tham khảo thêm thông tin qua bài viết khác tại đây. http://vetcenter.com.vn/category/kien-thuc/