Nguyên nhân và biên pháp khắc phục hiện tượng sót nhau trên heo nái sau sinh

1. Sót nhau là gì?

Sót nhau là hiện tượng nhau thai không được đẩy ra ngoài sau khi heo con đã được sổ hết ra ngoài. Bình thường, trong khoảng 10-60 phút nhau sẽ được tống hết ra ngoài, đây là khoảng thời gian an toàn dành cho heo mẹ.

Có thể chia các mức độ sót nhau như sau:

– Sót nhau hoàn toàn: Toàn bộ nhau thai còn dính với niêm mạc tử cung ở cả 2 sừng tử cung.
– Sót nhau không hoàn toàn: bên phía sừng tử cung không chứa thai thì nhau thai đã tách khỏi niêm mạc tử cung. Sừng tử cung bên có thai thì nhau thai còn dính chặt với niêm mạc tử cung heo mẹ.
– Sót nhau từng phần: một phần của màng nhung hay 1 ít núm nhau còn dính với niêm mạc tử cung, đa phần màng thai còn lại đã tách khỏi niêm mạc tử cung.

2. Nguyên nhân của hiện tượng sót nhau

– Heo nái bị viêm niêm mạc tử cung nên sau khi đẻ nhau thai không ra hết.

– Trong quá trình heo đẻ, kỹ thuật viên can thiệp vội vàng, thô bạo, không đúng kỹ thuật dẫn đến việc nhau thai bị đứt và sót lại.

– Tử cung co bóp kém không đẩy được nhau thai ra ngoài. Việc tử cung co bóp kém có thể do các nguyên nhân sau:

  • Heo nái già, đẻ nhiều lứa nên đuối sức.
  • Trong thời gian có thai, nhất là giai đoạn cuối thai kỳ heo mẹ vận động kém.
  • Thiếu khoáng chất trong khẩu phần ăn, đặc biệt là thiếu Canxi.
  • Heo mẹ quá gầy hoặc quá béo.
  • Bào thai quá to, quá nhiều bào thai, dịch thai quá nhiều dẫn đến cổ tử cung mở quá độ, giảm tính đàn hồi và giảm khả năng co bóp.
  • Trong các ca đẻ khó → quá trình co bóp của tử cung chịu ảnh hưởng → giảm sức rặn của heo mẹ.

3. Biểu hiện hiện tượng Sót nhau như thế nào?

Sót nhau trên heo mẹ thường có triệu chứng không rõ ràng:

– Heo mẹ không yên tĩnh, thân nhiệt hơi cao, hơi đau đớn, thỉnh thoảng rặn, uống nhiều nước hơn bình thường

– Có chất dịch màu nâu chảy ra từ cơ quan sinh dục của heo mẹ.

4. Cách phát hiện heo mẹ bị sót nhau:

– Sót nhau hoàn toàn: quan sát kỹ sẽ thấy 1 màng mỏng còn nằm trong âm đạo hay treo lòng thòng ở mép âm môn.

– Sót nhau không hoàn toàn: nhìn thấy 1 ít nhung mao trên mặt màng nhung của heo mẹ.

– Sót nhau từng phần: Trải toàn bộ phần nhau thai đã được tống ra ngoài → kiểm tra xem những chỗ màng thai bị đứt còn thiếu lại → suy ra phần màng thai còn lại nằm trong tử cung.

5. Biện pháp khắc phục

– Cần có quy trình kỹ thuật hợp lý trong khâu chăm sóc, nuôi dưỡng heo nái. Nên có chế độ dinh dưỡng: thức ăn, nước uống, vận động,… cho phù hợp.

– Chú trọng vệ sinh an toàn trong chuồng trại chăn nuôi, bảo quản nguồn thức ăn nước uống hợp vệ sinh, tránh nấm mốc.
– Kịp thời can thiệp ngay khi phát hiện ra heo mẹ có những dấu hiệu sót nhau, tránh để quá muộn sẽ dễ bị ảnh hưởng đến heo mẹ sau này. Nên chú trọng vấn đề kỹ thuật (không quá mạnh tay dễ gây tổn thương dẫn đến sót nhau).

– Tiêm thuốc Oxytoxin để kích thích tử cung co bóp đẩy hết nhau ra ngoài.

– Sau khi nhau được tống hết ra ngoài, dùng thuốc tím cồn iod nồng độ 0,1% hoặc nước muối sinh lý nồng độ 0,9% sục rửa tử cung liên tục ba ngày.

Nguồn: vietdvm

Trên đây là các thông tin cơ bản về hiện tượng sót nhau trên heo nái sau sinh mà chúng ta cần chú ý. Mong rằng sẽ hỗ trợ được bà con trong quá trình chăn nuôi.

Cảm ơn quý bà con đã theo dõi Vetcenter, mời quý bà con tham khảo thêm các thông tin khác tại đây.