CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ CỦA VACCINE TRONG CHĂN NUÔI GÀ

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ CỦA VACCINE TRONG CHĂN NUÔI GÀ

“Đã làm vaccine mà tại sao gà vẫn bị bệnh?” Đó là câu hỏi bà con thường đặt ra trong quá trình chăn nuôi. Đa phần bà con chăn nuôi thường khá chủ quan chắn chắn rằng gà sẽ không bị bệnh khi đã làm vaccine. Tuy nhiên, sự thành công của một chương trình vaccine chịu rất nhiều yếu tố ảnh hưởng.

Với mật độ chăn nuôi dày đặc, áp lực mầm bệnh tăng cao, xuất hiện thêm nhiều bệnh mới bệnh lạ, các mầm bệnh cũ đã biến chủng phức tạp hoặc thay đổi độc lực, nên nhiều bệnh dù đã có vaccine khống chế trước đó nhưng nay vẫn nổ dịch như bình thường. Do đó, để tránh đổ lỗi cho chỉ riêng vaccine khi dịch bệnh nổ ra, mời bà con tham khảo một số các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine trong chăn nuôi gà.

1. Chất lượng vaccine

Như các bạn đã biết, không riêng gì vaccine, sản phẩm nào khi sử dụng cũng cần đặt chất lượng lên hàng đầu. Dựa vào công nghệ và trình độ của công ty sản xuất vaccine, bà con chăn nuôi nên lựa chọn những công ty cung cấp vaccine có thương hiệu và uy tín lâu năm trên thị trường để đảm bảo vaccine có chất lượng tốt nhất, hạn chế việc đã làm vaccine nhưng gà vẫn nổ bệnh.

Cần đặt chất lượng vaccine lên hàng đầu

2. Liều lượng vaccine

Nên sử dụng theo liều lượng nhà sản xuất vaccine khuyến cáo là tốt nhất.

  • Nếu cung cấp liều thấp hơn khuyến cáo, có thể không đủ kích thích cơ thể để sản sinh miễn dịch
  • Nếu cung cấp liều cao hơn khuyến cáo, có thể xảy ra hiện tượng dung nạp miễn dịch. Dung nạp miễn dịch là khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên (cụ thể ở đây là virus trong vaccine), cơ thể không sản sinh miễn dịch chống lại kháng nguyên mà chấp nhận kháng nguyên đó như là 1 phần của cơ thể.

Từ đó, có khả năng cho phép một số vi khuẩn gây bệnh lây nhiễm thành công cho vật chủ và không thể thải trừ mầm bệnh ra khỏi cơ thể.

Tuy nhiên, bà con cũng nên quan tâm đến tình hình dịch tễ tại địa phương, tùy từng loại mầm bệnh mà cân nhắc chọn liều lượng vaccine cho phù hợp.

Nên sử dụng theo liều lượng nhà sản xuất vaccine khuyến cáo là tốt nhất

Ví dụ: đối với các trang trại gà đẻ ở những khu vực có áp lực mầm bệnh Newcastle cao thì nên chủng nhắc lại 1-1,5 tháng/1 lần.

3. Chất lượng bảo quản

Việc bảo quản vaccine cũng là yếu tố quan trọng để mang lại một chương trình làm vaccine có hiệu quả. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, thường phải bảo quản vaccine sống ở nhiệt độ trong khoảng 2-8oC.

Do đó, cần tránh để vaccine tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, cần có biện pháp xử lý khi nhiệt độ cao do tủ lạnh bị hư, mất điện,… nên trang bị thêm máy phát điện lúc cần thiết. Hoặc trang bị đủ đá gel làm lạnh khi vận chuyển đi xa để nhiệt độ đạt yêu cầu.

Nhiệt độ thích hợp để bảo quản vaccine

Ví dụ : Vaccine Viêm phế quản truyền nhiễm (IB) mất khoảng 50% hoạt lực trong một giờ dưới điều kiện nắng nóng sau khi được pha. Hay vaccine marek sau khi pha nên chủng luôn trước khi hút tàn một điếu thuốc.

4. Kỹ thuật cấp vaccine

Kỹ thuật cấp vaccine cũng không kém phần quan trọng

  • Đường cấp.

Tùy từng loại vaccine mà nhà sản xuất sẽ khuyến cáo đường cấp thích hợp.

+ Với những loại bị phá huỷ bởi dịch dạ dày, dịch ruột thì không được cấp bằng đường uống

+ Với những loại vaccine kích thích miễn dịch tại chỗ thì không được cấp bằng đường tiêm.

Nếu vaccine không được cấp đúng theo đường cấp của nhà sản xuất. Ngoài việc không tạo được miễn dịch phòng bệnh cho gà, mà còn có thể gây ra những tác dụng nguy hiểm không mong muốn.

  • Thời điểm cấp

Cấp vaccine quá sớm hay quá muộn đều làm cho khả năng sản sinh đáp ứng miễn dịch của cơ thể gia cầm bị ảnh hưởng đáng kể.

Mỗi loại vaccine đều có khuyến cáo thời gian chủng ngừa cụ thể. Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp, dựa vào tình hình dịch tễ địa phương, áp lực mầm bệnh cao hay khi sức khỏe của đàn gà mà bà con chăn nuôi nên chủ động điều chỉnh thời gian cấp vaccine cho phù hợp.

* Ngoài ra, bà con chăn nuôi cũng nên quan tâm đến một số điểm sau:

– Lượng máng uống không đủ, hoặc phân bổ máng uống không hợp lý -> Gà uống không đủ, không đều, làm giảm khả năng bảo hộ của vaccine.

– Kỹ thuật cấp vaccin: tiêm ra ngoài, nhầm lẫn giữa các loại vaccine,…

– Nước pha vaccine: dùng nước máy để pha vaccine, chất sát trùng (Flor) trong nước máy có khả năng làm virus trong vaccine mất hoạt lực, không có tạo được miễn dịch cho gà.

5. Kháng thể mẹ truyền

Kháng thể mẹ truyền có ảnh hưởng lớn đến khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn gà, việc làm vaccine khi kháng thể mẹ truyền của đàn gà còn cao, sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhân lên của virus trong vaccine, từ đó, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn gà.

Chú ý đến kháng thể mẹ truyền để làm vaccine đạt hiệu quả

Ví dụ: Việc làm vaccine Gumboro (IBD) quá sớm khi kháng thể mẹ truyền trên đàn gà còn cao, sẽ làm một số virus vaccine bị trung hòa, kết quả gà không tạo được kháng thể hoặc kháng thể thấp không đủ bảo hộ đàn gà.

6. Hiện trạng sức khỏe đàn gà

Sức khỏe đàn gà cũng là yếu tố không kém phần quan trọng.

Thường thấy khuyến cáo rằng không nên làm vaccine lúc đàn gà bị bệnh, nguyên nhân là do:

  • Hệ thống miễn dịch của đàn gà đang bị tổn thương, khả năng đáp ứng miễn dịch kém hoặc sẽ làm cho phản ứng vaccine càng thêm trầm trọng.
  • Một số trường hợp làm vaccine khi gà đang ủ bệnh, sẽ làm cho đàn bùng phát bệnh, gây thiệt hại đáng kể về mặt kinh tế.

Stress cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn gà. Stress có thể do: nhiệt độ và ẩm độ môi trường cao, chế độ ăn thiếu cân đối, gà bị nhiễm bệnh,…

Sức khỏe đàn gà cũng là yếu tố quan trọng trong việc làm vaccine

Ví dụ: Khi gà mang các mầm bệnh như GumboroMarek, thiếu máu truyền nhiễm (CAV), hoặc nhiễm độc tố trong thức ăn, hệ thống miễn dịch không hoạt động bình thường, nên khi làm vaccine, gà không có đáp ứng miễn dịch tốt hoặc gây ra phản ứng vaccine mạnh mẽ, làm tăng tỉ lệ gà mắc bệnh hoặc gà chết.

7. Vệ sinh an toàn sinh học

An toàn sinh học đóng vai trò quan trọng trong sự thành bại của trại.

  • Vệ sinh chuồng trại kém
  • Chuồng không thông thoáng
  • Vệ sinh sát trùng không được quan tâm,…

Các yếu tố trên sẽ làm gia tăng áp lực mầm bệnh trong trại -> đàn gà có thể mắc bệnh, mặc dù đã làm vaccine.

Cần chú ý an toàn sinh học trong chương trình làm vaccine

8. Chủng (type) vaccine

Một số loại bệnh được gây ra bởi những tác nhân có nhiều chủng khác nhau, đôi khi những chủng này không tạo ra miễn dịch chéo, nên bệnh có thể nổ ra nếu virus trong vaccine không cùng chủng với virus gây bệnh trong vùng.

Ví dụ: Như vaccine IB chủng MA5 không có khả năng bảo hộ đàn gà khi bệnh IB xảy ra với thể hướng thận IB 4/91.

Tham khảo: Internet

Trên đây là các yếu tố làm ảnh hưởng hiệu quả của vaccine mà chúng ta nên hiểu rõ và khắc phục. Mong bài viết trên sẽ giúp cho bà con chăn nuôi chủ động hơn trong việc làm vaccin, cũng như giảm thiểu tối đa những rủi ro không đáng có. VETCENTER chúc quý bà con chăn nuôi đạt năng suất cao.