Bệnh Gumboro trên gà

Bệnh Gumboro trên gà

Mời bà con chăn nuôi cùng Vetcenter có cái nhìn tổng quát về bệnh Gumboro trên gà để có phương hướng phòng và điều trị bệnh cho hiệu quả

1. Virus gây bệnh Gumboro?

Gumboro là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất lây lan trên gà do virus gây ra. Tế bào lympho B là tế bào đích của virus và mô lympho của túi Fabricius (F) bị ảnh hưởng 1 cách nặng nề.

Bursa Fabricius (Túi Fabricius) chỉ có ở loài chim, là một cơ quan lympho biểu mô nằm ở gần ổ nhớp, chứa các nang lympho và cũng được chia thành vùng vỏ và vùng tủy. Khi túi Fabricius của gà bị phá hủy thì lượng globulin miễn dịch (Ig) trong máu giảm, không có tương bào, dẫn đến giảm đáp ứng miễn dịch dịch thể. Do sự suy giảm miễn dịch nên dễ mắc phải các bệnh phụ nhiễm khác.

Bệnh do virus Infectious bursal disease (IBD) gây ra, acid nhân là RNA, 2 sợi, virus không có vỏ bọc. Virus có 2 serotype 1 và 2 nhưng chỉ có serotype 1 gây bệnh và tất cả các vaccine thương mại trên thị trường là để phòng chống lại serotype này.

PHÂN LOẠI CÁC CHỦNG VIRUS GUMBORO

* Chủng cổ điển (Classical virulent strains-IBDV): phổ biến khắp nơi trên thế giới. Gây chết gà 1-2%, nhiễm trùng <3 tuần tuổi có thể gây suy giảm miễn dịch

* Chủng rất độc (Very virulent strains- vvIBDV): có ở Mỹ, 1 số nước Châu Âu và các nước Châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, 1 số nước Đông Nam Á…). Gây chết gà thịt 20-25%, gà đẻ 50-60%. Nhiễm bệnh gây suy giảm miễn dịch mọi lứa tuổi.

* Biến chủng (Variant strains- vIBDV): phổ biến ở Châu Mỹ và 1 số nước Châu Âu; có thể không gây chết hay gây chết <5%. Nhiễm bệnh gây suy giảm miễn dịch mọi lứa tuổi do làm teo túi Fabricius.

SỨC ĐỀ KHÁNG

Sức đề kháng tương đối mạnh. Một số thuốc sát trùng không diệt được vi – rút này, nó có thểsống lâu trong chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi….

Tuy nhiên, một số loại thuốc sát trùng sau có thể tiêu diệt được virus:

Formaldehyde Glutaraldehyde Chlorin

2. Virus gây bệnh Gumboro trên gà lây truyền như thế nào?

– Động vật cảm thụ với bệnh Gumboro trên gà: Trong tự nhiên, chỉ có gà bị bệnh, tất cả các giống gà đều mẫn cảm với bệnh.

– Lứa tuổi cảm thụ

  • Mạnh nhất là từ 3 đến 6 tuần tuổi
  • Gà nhỏ hơn 3 tuần tuổi nhiễm bệnh -> không bộc lộ triệu chứng (nhiễm trùng ẩn và làm suy giảm miễn dịch nghiêm trọng)

– Chất chứa căn bệnh: túi F, thận, gan, lách…

– Đường truyền lây bệnh: qua tiêu hóa

  • Tiếp xúc trực tiếp
  • Dụng cụ chăn nuôi, con người, chim hoang, côn trùng, sâu bột là véc tơ truyền bệnh

3. Virus gây bệnh Gumboro trên gà có triệu chứng và bệnh tích điển hình như thế nào?

Triệu chứng

  • Thời gian nung bệnh 2 – 3 ngày
  • Bệnh xuất hiện bất thình lình và mãnh liệt
  • Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 10 – 20%, có khi lên đến 100%
  • Tỷ lệ chết có thể lên đến 37,6%, trung bình từ 4 – 8,8%
  • Gà bệnh ủ rũ, bỏ ăn, run rẩy, đi đứng loạng choạng
  • Tiêu chảy phân lỏng nhiều nước, cặn màu trắng vàng
  • Có bọt lợn cợn đóng quanh lỗ huyệt
  • Thỉnh thoảng phân có nhuộm máu
  • Lông vùng lỗ huyệt dơ bẩn, lông xơ xác, chân khô.
  • Gà thường tự mổ vào lỗ huyệt và mổ lẫn nhau
  • Gà chết tối đa vào ngày thứ 3, thứ 4 của bệnh
  • Tiến trình bệnh từ 7 – 8 ngày

Bệnh tích

  • Xác chết khô, mất nước

  • Xuất huyết cơ đùi, cơ ngực và cơ cánh

  • Xuất huyết trên niêm mạc dạ dày tuyến, chỗ tiếp giáp giữa dạ dày tuyến và dạ dày cơ

  • Khoảng 5% gà bệnh có viêm thận, sưng lớn, màu xám nhạt có urate lắng đọng trong ống dẫn.

  • Gan có ổ hoại tử
  • Lách sưng lớn, có thể hoại tử

  • Thymus bất dưỡng, hoại tử
  • Viêm ruột cata, tăng tiết chất nhày trong ruột

Bệnh tích điển hình

  • Viêm túi Fabricius (F), túi F triển dưỡng lúc 2 – 3 ngày đầu của bệnh (có thể gấp đôi thể tích ban đầu), kèm theo thủy thũng cả ở bên trong và bên ngoài túi F, xuất huyết, hoại tử.
  • Ngày thứ 5 túi F trở lại kích thước bình thường, rồi bất dưỡng nhanh vào ngày thứ 8 chỉ còn 1/3 thể tích ban đầu.
  • Trong túi F có những cục fibrin -> hình thành khối bã đậu (casein)

4. Phòng bệnh Gumboro trên gà như thế nào?

  • Áp dụng nguyên lý phòng chống bệnh truyền nhiễm dựa trên sự tác động vào 3 khâu của quá trình truyền lây.
  • Đồng thời với công tác quản lý rất ý nghĩa trong công tác phòng bệnh
  • Phòng bệnh bằng vaccine: Kháng thể mẹ truyền bảo vệ gà con từ 1 – 3 tuần tuổi
  1. VỆ SINH THÚ Y:

    Vệ sinh, sát trùng chuồng trại, xe cộ, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi…

  2. VACCINE

    Hiện nay trên thị trường phổ biến hai dạng vaccine

1/ Vaccine sống nhược độc

  • Có 4 loại vaccine sống nhược độc thường được sử dụng
  • Vaccine nhẹ (avirulent strain – Mild): virus được làm nhược độc nhiều lần, dùng cho gà con 1 ngày tuổi rất an toàn nhưng dễ bị trung hòa bởi kháng thể mẹ truyền.
  • Vaccine trung bình (intermediate strain): virus được làm nhược độc trung bình, rất an toàn, vượt qua kháng thể mẹ truyền thấp
  • Vaccine trung bình cộng (intermediate plus): virus được làm nhược độc ít hơn nhưng vẫn an toàn, vượt qua kháng thể mẹ truyền trung bình
  • Vaccine mạnh (hot vaccine): virus làm nhược độc ít, không an toàn lắm, thường dùng ở những vùng có dịch nghiêm trọng. Vaccine này nếu chủng ngừa sớm cho gà con nhất là nhóm không có kháng thể mẹ truyền sẽ làm teo túi F.

Thường dùng chủng ngừa cho gà con bằng cách nhỏ mắt, mũi, uống, và phun sương

2/ Vaccine chết

Có chất bổ trợ là nhũ tương dầu, thường chủng cho gà mẹ để tạo miễn dịch thụ động cho gà con mới nở bằng cách tiêm bắp (I/M), hay dưới da (S/C).

  1. Cách điều trị bệnh Gumboro trên gà như thế nào?

Do bệnh Gumboro trên gà là bệnh do virus gây ra, nên hướng điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ:

Sử dụng Herbal Photic
Hỗ trợ điều trị các bệnh ảnh hưởng đến gan thận (đặc biệt là Gumboro).
Giúp giải độc, tái tạo tế bào thận, gan bị tổn thương do vật nuôi bị nhiễm độc tố, hay dùng kháng sinh trong quá trình điều trị bệnh, ngừa suy thận.

Ngoài ra, có thể dùng kháng sinh để điều trị các bệnh phụ nhiễm.

Trên đây là tổng quan về bệnh Gumboro trên gà, là bệnh phổ biến thường thấy trong quá trình chăn nuôi. Mong bà con chăn nuôi có thể hiểu rõ về bệnh hơn để phòng và trị bệnh cho hiệu quả.

Nguồn: Tham khảo

Chúc bà con chăn nuôi đạt hiệu quả và năng suất cao.